Dù không biết nhiều về bóng chày, nhưng nếu đã từng đọc manga hay phim ảnh thể thao có liên quan tới Nhật, bạn chắc chắn sẽ nghe nói về Koshien. Một người Mỹ từng diễn tả về Koshien như sau : Bạn có March Madness (Tháng Ba điên – Giải đấu bóng rổ các trường Đại học Mỹ) trộn với Super Bowl (Siêu Cup Bóng bầu dục, sự kiện có nhiều người xem nhất nước Mỹ), đó chính là Koshien với người Nhật. Để hiểu rõ, trên hết, đây là sự kiện thể thao lớn nhất Nhật Bản. Mỗi khi tháng 8 về, toàn nước Nhật chỉ hướng về duy nhất một nơi – Koshien, sân vận động diễn ra Giải bóng chày trung học toàn quốc. Nơi có 50 000 khán giả trên sân và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình trực tiếp theo từng giây các trận đấu.
Koshien có hai mùa giải, Giải mùa hè và Giải mùa xuân, nhưng bài viết này mình sẽ chỉ nhắc đến giải đấu có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất và thường được đề cập trong phim/truyện – Giải bóng chày Koshien mùa hè.
Trừ Sumo, bóng chày là môn thể thao duy nhất có giải đấu chuyên nghiệp tại Nhật từ trước cả khi Chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra. Bóng chày chính là một phần lịch sử của nước Nhật. Và Koshien chính là điểm khởi đầu của lịch sử.
Mùa hè đổ lửa, 49 đội đại diện cho 47 trường trung học mạnh nhất mỗi tỉnh (riêng Tokyo và Hokkaido được quyền có 2 đại diện) sẽ tranh đấu với nhau trong 17 ngày liên tục. Đội dành chiến thắng chung cuộc sẽ nâng cúp.
Nhưng bạn có thấy lạ, khi trong hầu hết các truyện bóng chày hay truyện của Adachi Mitsuru, đều kết thúc khi các cô cậu học sinh chạm được bước chân đến Koshien chứ ko phải là khi nâng cúp?
Shohei Ohtani, được xem là người hùng ở Nhật và ngôi sao hot nhất bóng chày Mỹ từng trả lời phỏng vấn về giải đấu này: “Koshien với chúng tôi như là World Series. Nhưng khác rằng chúng là các trận đấu loại trực tiếp, một lần thua là tất cả kết thúc. Nhưng điều khó nhất ở Koshien, chính là đến được Koshien”.
Đúng vậy, trước khi có 49 đội đại diện, đó là cuộc chiến giữa máu, mồ hôi và nước mắt của hàng ngàn trường trung học diễn ra trên khắp nước Nhật. Các đội tập luyện không kể đêm ngày, tất cả chỉ mơ về một giấc mơ được hưởng lấy cái nóng gay gắt đổ lửa vào mùa hè tháng tám, khi chân chạm được đất Thánh ở Koshien, mới gọi là một tuổi trẻ trọn vẹn.
Koshien là nơi ươm mầm của rất nhiều ngôi sao bóng chày nổi tiếng Nhật Bản, như huyền thoại Ichiro Suzuki hay Shohei Ohtani. Nhưng cũng giết chết rất nhiều tài năng vì sự tôn thờ cực đoan này.
“Một học sinh trung học Nhật Bản ném 881 cú bóng trong 2 tuần. Đó có phải là ngược đãi?”.
Tiêu đề của bài báo trên Washington Post về Koshien. (Theo các chuyên gia thì một đứa trẻ 17, 18 tuổi chỉ có thể ném 105 cú ném trong 1 ngày và cần ít nhất 4 ngày nghỉ liên tục trong khi cậu học sinh kia đã ném 250 cú ném trong trận tứ kết và tiếp tục vào ngày hôm sau cho đến chung kết).
Mình từng đọc được một comment trên Reddit của một người Nhật miêu tả về chuyện này: Vì đó là Koshien, là giấc mơ của mọi học sinh trung học, là khi lưng của bạn quay về khán đài, mắt của bạn nhìn vào đối thủ, và cứ thế tiến lên. Ném gãy tay phải, thì ném tay trái, ném cho đến khi tai ù đi vì tiếng kèn, trống, và cái nóng rực lửa ở nơi bục ném. Nếu bảo HLV ngược đãi thì tôi e rằng chính HLV cũng không thể khiến những đứa trẻ đó dừng ném.
Họ sẵn sàng từ bỏ con đường lên chuyên nghiệp vì các đến chấn thương khủng khiếp trong giải đấu này. Chính vì vậy mà 2019, nước Nhật đã phải tự hạn chế số lần ném và số đặt mức sàn cho số ngày nghỉ để hạn chế chấn thương cho các cầu thủ.
Thật ra không khó để hiểu, vì ai một lần tham dự hay theo dõi Koshien mới biết vì sao nó tạo ra sự điên rồ này. Khi ánh mắt của hàng trăm triệu người chiếu lên người bạn, khi tiếng hò reo cổ động làm bạn ù tai, khi cái nóng làm mờ cả mắt, khi nhớ lại 3 năm trung học bỏ lại tất cả sau lưng chỉ vùi đầu vào bóng chày, thì ai mà lại muốn quan tâm đến chuyện gì sảy ra sau đó nữa, ném, thì cứ ném thôi.
Khi Koshien kết thúc, bất kể chiến thắng hay chiến bại, tất cả cùng rơi nước mắt, hốt một nắm cát ở đất Thánh và cho vào balo, thế là hết một mùa hè lịch sử, cho bất kỳ ai có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời nơi đây.